Thông tin phim
Đạo diễn: Lê Bảo Trung
Diễn viên: Hoài Linh, Wanbi Tuấn Anh, Trương Quỳnh Anh, Ngọc Diệp, Elly Trần
Nhà sản xuất: Galaxy Studio
Quốc gia: Việt Nam
Thời lượng: 90 phút
Thể loại: Kinh Dị - Ma
Năm sản xuất: 2011
Bộ phim 3D Việt Nam đầu tiên do Lê Bảo Trung đạo diễn sẽ mang tên mới "Bóng ma học đường", thay cho tên cũ "Hồn ma siêu quậy". Phim đang trong giai đoạn hoàn tất hậu kỳ, để sẵn sàng công chiếu vào Tết Nguyên đán 2011.
Theo nhà sản xuất, sự thay đổi này nhằm nhấn mạnh thông điệp của phim: giải mã câu hỏi thầm kín của giới trẻ về vấn đề gia đình, tình yêu và bạo lực học đường. Điểm đặc biệt là câu chuyện được kể từ cái nhìn của một con ma chuyên bám theo dụ dỗ những đứa trẻ chán đời, và vì là ma nên nó có thể thâm nhập rất sâu vào các ngóc ngách của thế giới học đường, tìm ra câu trả lời thú vị và bất ngờ nhất.
Bóng ma học đường được quay hoàn toàn bằng dàn máy quay 3D hiện đại, trị giá đến con số chục triệu USD, với sự hỗ trợ kỹ thuật của hai chuyên gia từ Digital Magic. Với bộ phim này, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á dũng cảm khai phá công nghệ 3D, song song với Thái Lan, Indonesia. Đây cũng là tác phẩm nằm trong Ttp ten các dự án phim 3D của Á châu.
Được quay hoàn toàn bằng công nghệ 3D tân tiến, Bóng ma học đường đánh dấu bước tiến của điện ảnh Việt Nam bắt kịp với xu hướng làm phim 3D trên thế giới. Hiệu ứng hình nổi 3 chiều kéo dài suốt bộ phim. Những mũi tên bay vun vút, những trận mưa bong bóng đẹp lung linh, lửa, khói… tràn ra khỏi màn hình, đưa khán giả vào một thế giới ma và người sống động như thật, đặc biệt thót tim với những màn bị hồn ma truy đuổi. Lần đầu tiên khán giả Việt Nam được chiêm ngưỡng thành phố mang tên Bác trong không gian điện ảnh 3 chiều. Cũng lần đầu tiên, bộ phim cho khán giả cảm giác gần đến mức có thể chạm tay vào những ngôi sao được hâm mộ như Hoài Linh, Hoàng Sơn, WanBi Tuấn Anh, Elly Trần, Đinh Ngọc Diệp, Tim, Trương Quỳnh Anh, Thiên Minh...
Theo lời chia sẻ của đạo diễn Lê Bảo Trung, phim 3D là công nghệ hoàn toàn mới nên việc thực hiện hết gặp nhiều phức tạp và công phu. Thời gian chuẩn bị máy quay lâu hơn làm phim 2D gấp 5 lần; máy quay phim nặng gần 100 kg, việc di chuyển cũng như chuyển động của máy không dễ dàng; diễn viên phải luyện tập công phu hơn sao cho từng cử động và di chuyển khớp chính xác với điểm hội tụ của hai ống kính máy quay. Về hậu kỳ, phim 3D cũng hết sức phức tạp do cùng một lúc phải xử lý rất nhiều hình. Đặc biệt phần kỹ xảo đánh nhau giữa các hồn ma phải làm rất lâu và tốn kém.
Bộ phim là câu chuyện lạ lùng về Nam Linh, một hồn ma già bị điều khiển bởi nhóm ma tuổi teen siêu quậy, để rồi phát hiện ra bí mật của những đứa trẻ đáng thương, trong đó có con trai mình. Không chỉ là một con ma sợ ma nhất, Nam Linh mà còn là một nhà văn chuyên viết truyện bạo lực cho teen nhưng lại chẳng hiểu gì về teen, một người cha yêu con nhưng hoàn toàn xa lạ với con trai mình. Bao điều đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống bởi sự xa cách, thiếu hiểu biết ấy. Cuộc phiêu lưu của Nam Linh theo chân những con ma teen siêu quậy, hóa ra lại là con đường ngắn nhất để thâm nhập vào thế giới đầy uẩn ức của tuổi teen: nghiện web, yêu sớm, bi kịch gia đình, bạo lực học đường, và tận cùng là tìm đến cái chết… Bi kịch mỗi người mỗi khác nhưng từ sâu thẳm, bất cứ ai cũng cần có tình yêu cuộc sống và sự cảm thông giữa người với người.
Bóng ma học đường vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc về cuộc sống của những cô cậu học sinh ở ngôi trường cấp 3. Có những mảng màu tươi sáng là tuổi học trò hồn nhiên, tình yêu chớm nở… nhưng cũng có những mảng tối: tệ trốn học, băng nhóm, đánh nhau, xé quần áo, quay video clip tung lên mạng, tự tử vì yêu... Đó chính là những “bóng ma học đường” đang có xu hướng lan truyền với tốc độ rất nhanh qua các trường trung học. Bộ phim mang màu sắc ma quái nhưng lại phản ánh một hiện thực nóng bỏng về giới trẻ và vấn đề bạo lực học đường.
Kịch bản phim có nhiều tình huống được thiết kế làm nổi bật hiệu ứng 3D, đặc biệt là những cảnh hồn ma hành động. Bộ phim mang màu sắc ma quái, nhưng lại phản ánh một hiện thực nóng bỏng. Hiện phim đang trong giai đoạn hoàn tất hậu kỳ ở nước ngoài, và sẵn sàng công chiếu vào dịp Tết Nguyên đán 2011.